Nếu xin việc như thế này thì bạn còn thất nghiệp dài dài
Bởi khi công ty muốn tuyển dụng, có thể họ liệt kê ra hàng loạt yêu cầu và công việc khiến bạn “choáng”, nhưng thực chất khi đi làm chính thức thì công việc cũng không vất vả và “hoành tráng” như những gì họ viết.
Được nhiều người hưởng ứng và chia sẻ, thậm chí có vài bạn còn inbox để hỏi thêm, nên nhân đây em viết tiếp một bài để chia sẻ kinh nghiệm xin việc, một cách chi tiết và cụ thể.
Có bạn inbox hỏi em là: “Thế giờ chủ top có xin được việc chưa thế?”, em trả lời luôn ở đây: Sau khi phỏng vấn và thử việc ở cỡ…chục nơi, thì hiện giờ em đã đi làm ổn định rồi.
Không dài dòng nữa, bây giờ đi vào vấn đề chính.
Trong thời gian đi tìm việc, em đã học hỏi được kha khá kĩ năng, và đúc kết được một ít kinh nghiệm. Kĩ năng tìm việc rất quan trọng. Có thể bạn không giỏi, nhưng nếu khéo léo khi xin việc, bạn vẫn tìm được một nơi phù hợp với sở thích và chuyên ngành, với mức lương tốt.
Còn bạn giỏi, có kinh nghiệm làm việc, nhiều ưu điểm đến đâu, thì cũng sẽ thất nghiệp hoài hoài nếu như mắc phải những sai lầm sau đây:
Chỉ apply khi đáp ứng đủ yêu cầu
Lần đầu tiên tìm việc trên mạng, em đã tìm theo cách bình thường nhất: Lên các trang web việc làm xem thông tin tuyển dụng của các công ty, và chỉ apply những công ty tuyển nhân viên không cần kinh nghiệm, hoặc yêu cầu kinh nghiệm dưới 1 năm thôi. Một số công ty tuyển dụng bằng tiếng Anh, em không dám apply. Sau này mới thấy đây là điều sai sót. Bởi khi công ty muốn tuyển dụng, có thể họ liệt kê ra hàng loạt yêu cầu và công việc khiến bạn “choáng”, nhưng thực chất khi đi làm chính thức thì công việc cũng không vất vả và “hoành tráng” như những gì họ viết.
Hôm nọ có một công ty yêu cầu 3 năm kinh nghiệm ở vị trí em ứng tuyển, nhưng em vẫn thử nộp đơn vào. Khi phỏng vấn trực tiếp, họ bảo rằng tuy em vừa ra trường nhưng lại khá lanh lẹ, hoạt bát, nên họ cho thử việc trước hai tháng, được kí hợp đồng luôn, từ từ họ sẽ “train” em sau.
Gửi hàng loạt thư để tìm kiếm cơ hội
Em đã từng gửi CV vào email của khoảng…10 công ty cùng một lúc, và hậu quả là: Hôm nay vừa phỏng vấn ở công ty A, thì 10 phút sau công ty B gọi mời lên phỏng vấn vào hôm sau. Trong suốt 2 tuần liền, em đã khá tốn kém trong việc công chứng hồ sơ, đi đến nhiều công ty khác nhau nhưng rồi chẳng ưng được công ty nào cả, cũng chẳng tìm được công việc như em mong đợi, rồi chuyện lạc đường, căng não khi làm bài test, chán ngán khi đến những công ty “dỏm”…diễn ra đều đều.
Vì vậy, các bạn trước khi gửi CV qua email để chờ được phỏng vấn, nên lưu ý là gửi tối đa 3 nơi thôi, và 3 nơi đó phải là 3 nơi bạn thực sự muốn vào làm.
Quá chú trọng bằng cấp
Bạn có bằng cử nhân loại giỏi, bằng IELTS 7.5, rất nhiều bằng cấp các kiểu… Ok tốt thôi, nhưng quan trọng là bạn có hợp với công ty đó hay không, có năng lực để làm những công việc mà công ty giao không. Bạn nói ra đủ thứ bằng cấp, rồi đến khi phỏng vấn trực tiếp, bạn ấp úng, rụt rè hoặc không thể biết phải làm gì nếu được nhận vào công ty…là thua. Bạn bè em, nhiều đứa chỉ học cao đẳng hay trung cấp thôi, mà đi làm được hơn năm rồi, mức lương lại khá tốt. Bởi vì tuy tụi nó không có bằng cử nhân nhưng lại thạo việc, chăm chỉ, trải nghiệm nhiều, nên thăng tiến nhanh là chuyện thường.
Không gọi điện cho nhà tuyển dụng
Nhắc tới điều này làm em nhớ đến lần đi phỏng vấn trực tiếp ở Sun Flower Media. Công ty gọi em lên, trải qua 3 vòng: test IQ, dịch bài từ tiếng Việt sang tiếng Anh và ngược lại, cuối cùng là phỏng vấn trực tiếp. Em cảm thấy hai vòng đầu em làm cũng OK, chỉ có vòng phỏng vấn trực tiếp, do bị hỏi khó nhiều câu và không có sự chuẩn bị nên em rất lúng túng. Đó là buổi phỏng vấn “nhớ đời” nhất của em. Cuối buổi, người phỏng vấn nói với em: “Sau 1 tuần, dù em có được nhận vào làm hay không, thì công ty vẫn sẽ email lại để thông báo kết quả của buổi phỏng vấn hôm nay”. Em đợi, 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần… Và đã 3 tháng trôi qua. Không một email nào đến cả. Bạn bè kêu em gọi lại hỏi, hoặc email xem sao, nhưng em vẫn không gọi, vì nghĩ rằng chắc em rớt rồi, họ bận rồi… Em tự nghĩ ra hàng tá lí do…
Bây giờ nghĩ lại, cũng có một chút tiếc nuối. Đáng lẽ ra sau lần phỏng vấn đó em nên gửi một email cảm ơn, và sau 2 tuần thì thử gọi hỏi thăm xem sao, biết đâu sẽ có cơ hội được phỏng vấn lần sau và đậu? Mọi người lưu ý điều này nhé. Thắc mắc thì cứ hỏi, dù không làm việc ở đó nhưng người ta vẫn có ấn tượng tốt, vì mình có quan tâm đến công việc.
Quá chú trọng lương
Đúng là “không có tiền thì cạp đất mà ăn” nhưng không có công ty nào tuyển bạn vào làm với một mức lương cao ngất, khi chưa rõ về năng lực của bạn. Hãy thử việc trước, lương tính sau. Lúc em mới ra trường, đi xin việc ở nhiều nơi, họ có khi chẳng thèm nhìn CV của em khi em nói em vừa học xong ĐH. Bạn chú trọng lương thì nhà tuyển dụng cũng chú trọng đến kĩ năng của bạn không kém. Nếu khi thử việc mà bạn làm giỏi, làm tốt, công ty sẽ không ngại nhận bạn vào làm với mức lương hợp lí mà bạn đưa ra.
Nói quá nhiều về bản thân
Cũng may là đi phỏng vấn, em chẳng bao giờ ngồi “chém gió” đủ thứ về bản thân cả. Tất cả những gì liên quan đến em, đều nằm trong CV và thư xin việc mà em viết. Em chỉ đợi công ty hỏi, rồi trả lời chi tiết cho họ. Chém gió quá không tốt. Cho dù bạn giỏi đến mấy thì cũng hãy tin là bạn vẫn thiếu kinh nghiệm làm việc khá nhiều, bằng cấp chỉ có giá trị trong giảng đường thôi, ra thực tế, hơn thua nhau ở thái độ làm việc và cách ứng xử. Nói ít đi, và hành động nhiều hơn, may mắn sẽ mỉm cười và bạn sẽ…không thất nghiệp nữa.
À, kinh nghiệm của em là, mọi người nên nói về việc, nếu vào công ty làm, bạn có thể làm những gì cho công ty. Sẽ tốt hơn là việc phô trương bản thân.
Không liên lạc với công ty khi họ từ chối bạn
Em có một nhỏ bạn, ứng tuyển vị trí phóng viên ở một tòa soạn báo dành cho teen vào năm ngoái. Rớt ngay từ vòng viết bài. Nó vẫn nhiệt tình làm cộng tác viên cho tòa soạn, tất nhiên không phải bài nào cũng được lên. Năm nay nó tiếp tục thi và tiếp tục rớt. Nhưng rồi sao? Tòa soạn nhận nó làm cộng tác viên, có lương cứng mỗi tháng 1 triệu, đồng thời khi viết bài, nó cũng được trả nhuận bút tốt. Tính ra một tháng, tổng thu nhập của nó so với bạn bè cũng trang lứa là khá ổn định. Bây giờ nó vẫn chưa được làm phóng viên, nhưng đã là một người viết bài khá “có tay”, được sếp giao đề tài để viết liên tục. Chuyện nó làm phóng viên chính thức có thể còn lâu lắm, nhưng chính vì vẫn tiếp tục làm dù bị từ chối, mà giờ nó cũng được xem là có việc làm tốt rồi.
Kinh nghiệm rút ra: Nhà tuyển dụng sẽ cho bạn một cơ hội thứ 2 nếu có vị trí phù hợp với bạn, khi bạn đã tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp với họ
Leave a Reply